Người dùng gần đây:   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   

Cầu lông

Cầu lông từ lâu đã là một môn thể thao quen thuộc đối với tất cả mọi người ở các lứa tuổi. Chơi cầu lông không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn mang lại giờ phút thư giãn, giải trí sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng, mệt mỏi. Vậy làm thế nào để luôn luôn tìm thấy hứng thú và phát triển thể lực trong bộ môn này? 5 bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn sớm trở thành một tay vợt sở hữu kỹ thuật chơi đáng gờm.

1. Nắm chắc cách cầm vợt

Mỗi người chơi cầu lông lại có cách cầm vợt khác nhau, người cầm vợt cao, người cầm vợt thấp, người thuận tay trái, người thuận tay phải... Bài tập cầm vợt bao giờ cũng là bài học vỡ lòng cho bất cứ ai muốn tham gia môn thể thao này. Cách cầm vợt có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các kỹ thuật nâng cao và khi đã hình thành thói quen cầm vợt thì rất khó sửa đổi.

Thông thường, có 2 cách cầm vợt cơ bản là cầm thuận tay và cầm trái tay. Tùy theo cách phát cầu hoặc đỡ cầu mà bạn sử dụng linh hoạt hai cách cơ bản này. Tuy nhiên, bạn nên nhớ tư thế cầm vợt đúng thì giữa ngón trỏ và ngón cái phải tạo nên được một góc chữ V.

Cầm vợt thuận tay:

Vị trí: bạn nên đặt tay ở tầm giữa cán vợt. Lòng bàn tay nắm tự nhiên, không nên giữ chặt, thả lỏng cổ tay để điều khiển vợt dễ dàng hơn, tránh các chấn thương đến khớp cổ tay. Các ngón tay ôm nhẹ quanh cán vợt, ngón trỏ đặt cao hơn ngón cái, ngón cái tựa lên cán để phát huy tối đa sức mạnh của các cơ cổ tay, ngón tay và cánh tay.
Hãy tưởng tượng đây giống như cái bắt tay giữa bạn và chiếc vợt để bước vào cuộc chơi vậy.

Cầm vợt trái tay:

Cách cầm vợt này được sử dụng như cách giao cầu khó nhưng lại có nhiều ưu điểm hơn. Khác biệt cơ bản khi cầm vợt theo cách này là bạn nên cầm vợt xuôi lên phía trên và đặt ngón cái cao hơn ngón trỏ để tăng thêm phần lực cho cổ tay. Khi giao cầu bạn nên để vợt ở khoảng giữa thân người, mặt vợt phải tiếp xúc thẳng góc với cầu và đánh thẳng tay.
Cầm vợt đúng cách và tạo sự thoải mái cho bản thân là bước quan trọng ban đầu để bạn có thể kết hợp nhịp nhàng các động tác tay và chân, phối hợp đồng bộ cơ thể khi chơi cầu lông.

2. Hiểu rõ luật chơi cầu lông giao hữu và thi đấu

Luật chơi cầu lông không quá phức tạp và bạn sẽ nắm bắt được nó rất dễ dàng chỉ sau một vài lượt chơi. Người chơi cầu lông thường không tốn thời gian để học luật và các lỗi vi phạm luật cũng không dễ gây tranh cãi.

Luật chơi cầu lông cơ bản có thể tóm tắt như sau:
Điểm số được tính bằng số quả cầu qua lưới và chạm đất ở phần sân bên kia thuộc đối thủ. Mỗi bên chỉ có một lần chạm cầu để cầu sang sân đối phương. Lượt cầu sẽ kết thúc tại thời điểm quả cầu chạm đất hoặc trọng tài tuyên bố phạm lỗi, trường hợp không có trọng tài thì hai bên tự thương lượng và quan sát lẫn nhau.

3. Dành thời gian tập luyện thường xuyên

Môn thể thao nào cũng cần bạn tập luyện thường xuyên để trở nên thành thục và rèn luyện vóc dáng, khả năng di chuyển nhanh nhạy. Cầu lông bao gồm sự phối hợp ăn ý giữa sự di chuyển các bước chân, lực sử dụng từ cổ tay, ngón tay và sự phán đoán điểm rơi của cầu. Đây cũng là môn thể thao đồng đội với số lượng người chơi chẵn từ 2 người trở lên. Bởi vậy, tập luyện cầu lông thường xuyên không chỉ phát triển sự nhanh nhạy mà còn có thể là cơ hội giao lưu, làm quen những người có chung sở thích.

Chơi cầu lông đều đặn giúp bạn có thể lực dẻo dai, bền bỉ. Đây là cách nhanh nhất để bạn nắm rõ các cách cầm vợt, luật chơi để tạo bước đệm cho các kỹ thuật cao hơn và đối thủ nặng ký hơn.

4. Luôn luôn quan sát và đánh giá đối thủ

Có phần tương tự môn thể thao đối kháng, để chiến thắng trong trận đánh cầu lông, ngoài việc thành thạo các kỹ thuật, bạn nên tìm hiểu và đánh giá đối thủ của mình; từ đó đưa ra được chiến thuật chính xác. Một số điểm mà bạn có thể biết được đối thủ trên sân của mình ngay từ thời gian khởi động đó là phong cách chơi (tấn công hoặc phòng thủ), tay thuận, các hạn chế về tầm nhìn hay cầu vai...

Ngoài ra, bạn có thể khám phá đối phương nhiều hơn qua vài kỹ thuật nhỏ dưới đây trong thời gian ngắn khởi đầu trận đấu:

  • Đánh cầu ép đối phương di chuyển đầu sân đến cuối sân.
  • Thực hiện cú đánh cầu ngắn, đơn giản để kiểm tra sự tập trung và phản xạ của bạn chơi, đặc biệt trong lúc đối thủ đang ở vị trí cuối sân.
  • Thả một lần cầu về cuối sân, cách này giúp bạn biết khả năng di chuyển và tốc độ của đối thủ rõ hơn.

Tóm lại, để tìm kiếm điểm yếu của đối thủ trong cầu lông, bạn nên chú ý quan sát và thực hiện các cú đánh khác nhau, chuyển hướng cầu nhiều lần, hướng đối thủ chơi theo lối của mình. Như vậy, bạn hoàn toàn có thể làm chủ thế trận và dễ dàng ghi điểm.

5. Thử sức với các kỹ thuật khó

Đối với các bạn chơi cầu lông, tập các kỹ thuật nâng cao đem lại rất nhiều hứng thú và duy trì niềm đam mê với môn thể thao này. Khi bạn đã thành thục các kỹ năng giao cầu, đỡ cầu, đập cầu từ bài học cơ bản, bạn có thể áp dụng các biến thể của chúng vào cách chơi của mình, ví dụ như:

  • Bật cao để đập cầu. Thay vì đập cầu thông thường, bật cao sẽ cho bạn lực đập mạnh hơn, cầu rơi trước mặt đối thủ nhanh hơn.
  • Kỹ thuật chụp cầu khiến cầu mất đà, nhanh chóng rơi vào mặt đối thủ gần lưới. Tham khảo cách chụp cầu
  • Vid: https://www.youtube.com/watch?v=6uj7UoR7YJ8
  • Tập cú đánh xoáy. Đây là kỹ thuật tương đối khó khi di chuyển vợt, cắt vợt và lừa đối phương rằng bạn đánh thẳng nhưng thực chất cầu sẽ đi đường chéo.

Các kỹ thuật chơi cầu lông, dù cơ bản hay nâng cao đều cần thực hành rất nhiều lần để thành thạo và vận dụng linh hoạt trong trận đấu. Cách nhanh nhất để có thể luyện tập và chơi cầu lông thường xuyên chính là tìm kiếm và kết bạn với những tay vợt chung sở thích để cùng nhau thử sức với các kỹ thuật nâng cao mỗi ngày.

Đã đăng | 98671 lượt xem | Bởi Thao Phuong | © VuiTheThao