Người dùng gần đây:   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   ,   

Giày

Nếu bạn yêu chạy bộ và có ý định gắn bó lâu dài và nghiêm túc với môn thể thao này. Đừng tiếc rẻ một đôi giày đã xuống cấp. Giày chạy bộ chỉ là công cụ để giúp bạn tập luyện và thi đấu, khi công cụ không còn hữu ích, bạn cần phải thay cái mới.

Hơn nữa, bạn cũng không nên để cơ thể mình phải gắng gượng mang một đôi giày cũ mặc dù ban đầu nó rất thoải mái và phù hợp. Nếu bạn chưa biết khi nào nên thay giày chạy mới thì sau đây là gợi ý 3 cách nhận biết nhanh chóng và dễ dàng nhất.

1. Tuổi thọ của giày qua thời gian sử dụng

Giống như mọi vật dụng khác, giày chạy cũng có tuổi thọ trung bình, khoảng từ 2 đến 3 năm. Điều này phụ thuộc vào tần suất sử dụng, mức độ tập luyện và cân nặng, chiều cao cơ thể của từng người. Thông thường, bạn có thể căn cứ vào lịch tập luyện và địa hình chạy của mình để đưa ra quyết định.

  • Đôi giày sử dụng đa số trên đường bằng phẳng sẽ có tuổi thọ dài hơn giày chạy trên đường đất, mặt tiếp xúc gồ ghề.
  • Giày của người chạy bộ đều đặn hằng ngày sẽ chóng hao mòn hơn một người chỉ sử dụng vài ngày trong tuần.
  • Một người chạy nhanh với tốc độ lớn sẽ cần thay giày sớm hơn người có thói quen chạy bền.
  • Lời khuyên từ một người có kinh nghiệm trong môn thể thao này đó là bạn nên thay giày sau khoảng 400-600 km sử dụng.

Với những người tập chạy bộ lâu năm, họ có thể đưa ra quyết định thay giày vào đúng thời điểm mà không gặp khó khăn gì. Còn với người mới tập hoặc tập thời gian chưa dài, đây thực sự là một việc cần suy nghĩ. Bởi vậy, ngoài việc giữ cho mình một cuốn nhật ký theo dõi lịch chạy, bạn có thể tham khảo thêm các cách nhận biết khác dễ dàng hơn.

2. Nhận biết qua các dấu hiệu bên ngoài

Đôi giày của bạn đã cũ nát

Phần đế và hông giày có dấu hiệu sờn, bục rách. Dấu hiệu này vô cùng dễ nhận ra bởi sự hao mòn bên ngoài do thời tiết và bảo quản có thể khiến chất liệu giày không chống chịu được bền lâu. Ngoài ra, thông thường đánh giá chất lượng giày chạy cũng phụ thuộc vào ba yếu tố: chất liệu giày, đệm giày và đế giày.

Kiểm tra độ đàn hồi của đế giữa

Vật liệu cấu tạo của đế giữa giày đa số là Ethylene Vinyl Acetate, được tạo thành từ rất nhiều túi khí nhỏ li ti ghép lại với nhau. Khi giày chạm đất, các túi khí này bị ép lại và bung ra khi nhấc lên, từ đó cung cấp khả năng đàn hồi cho giày, chống sốc khi chạy. Phần dễ xuống cấp nhất là phần đệm nằm phía trong, giảm sốc và bảo vệ đôi chân bạn. Điều này tương đối khó nhận biết bởi vì nó nằm ngoài khả năng quan sát.

Nếu phần đế giữa của bạn trở nên quá mềm và dễ sập xuống khi có áp lực nhấn thì đôi giày có lẽ không còn đủ khả năng đàn hồi trọng lượng cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể chú ý tới các nếp nhăn dài ở phần đế giữa.

Đế giày không cân xứng

Khi đế giày bị hỏng thì cơ thể bạn sẽ trở nên mất cân đối và áp lực dồn xuống hai bàn chân không đều. Điều này khá dễ nhận ra khi bạn đặt hai chiếc giày song song cạnh nhau và thấy phần đế không có độ cao đều hoặc một trong hai chiếc giày không còn đứng trên một mặt phẳng.

Chạy trong những đôi giày này dễ dẫn đến chấn thương nghiêm trọng về sau do áp lực tăng tác động lên bàn chân và đầu gối.

3. Cảm nhận bằng đôi chân của chính mình

Đôi giày khiến chân bạn đau nhức

Bạn nên cân nhắc thay một đôi giày chạy khi nó có biểu hiện làm chân bạn đau nhức hoặc khiến một số ngón chân có biểu hiện sưng tấy. Cho dù bạn đã chạy thoải mái trên đôi giày này 1.000 km thì tuổi thọ sẽ khiến đôi giày biến dạng làm ảnh hưởng tới bàn chân bạn.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn có thể đau chân khi chạy bộ nhưng nếu triệu chứng này chỉ xuất hiện sau một thời gian dài tập luyện đều đặn thì bạn nên nghĩ tới thủ phạm chính là đôi giày của mình.

Bạn thấy không thoải mái khi chạy

Một trong những tiêu chí hàng đầu khi chọn mua giày chạy bộ là sự thoải mái mà nó đem lại bởi chiều dài của giày có thể ôm vừa khít từ ngón chân đến vòm cổ chân. Nhưng sau một thời gian sử dụng, các tác nhân bên ngoài có thể ảnh hưởng đến chất liệu giày, khiến bạn không còn cảm thấy dễ chịu khi xỏ chân vào nữa.

Đây cũng chính là một dấu hiệu quan trọng cho thấy bạn cần ngay lập tức thay một đôi giày mới để đem lại tinh thần thoải mái khi tập luyện.

So sánh với đôi giày mới

Đây có thể là cách khá lạ đối với một số người bởi vì nó yêu cầu bạn mang đôi giày đang sử dụng tới cửa hàng và thử chân vào đôi giày mới tinh khác cùng loại, cùng kích cỡ. Trải nghiệm này sẽ khiến bạn nhận ra những khác biệt bất ngờ giữa đôi giày đã qua một thời gian sử dụng và đôi giày mới để đưa ra quyết định đổi giày. Khi độ êm và độ đàn hồi của giày không còn được như bạn mong muốn thì đây chính xác là thời điểm bạn nên từ bỏ đôi giày đang sử dụng.

Nếu bạn đã chọn gắn bó với môn thể thao này thì đừng tiếc rẻ cho một đôi giày chạy bộ thoải mái và phù hợp với bản thân. Lựa chọn một đôi giày đúng kích thước và bền bỉ cũng chính là cách bạn chăm sóc cho đôi chân và sức khỏe của mình.

Đã đăng | 7219 lượt xem | Bởi Thao Phuong | © VuiTheThao